THỦ TỤC XIN QUỐC TỊCH NHẬT BẢN
Thủ tục xin quốc tịch là thủ tục gần như phức tạp nhất trong các loại thủ tục liên quan tới quyền cư trú tại Nhật.
Do thủ tục phức tạp và kéo dài, MPHOU khuyên bạn nên tìm luật sư và tư vấn viên đáng tin cậy để đồng hành trong suốt quá trình nhập tịch nhé!
Xem hướng dẫn chi tiết về giấy tờ cần thiết để xin quốc tịch Nhật qua bài viết sau trên Cổng thông tin dành cho người Việt Nam tại Nhật - Tomoni:
Khi đã đủ thấy đủ các điều kiện xin quốc tịch Nhật Bản nói trên, chúng ta sẽ bắt đầu thủ tục xin quốc tịch với các bước như dưới đây.
Lưu ý, với trường hợp đã từng là thực tập sinh, hãy đọc kỹ bài viết tại link này trước vì thủ tục dành cho TTS sẽ phức tạp hơn một chút các bạn nhé!
① Đặt lịch hẹn với Sở Tư pháp
Tất cả thủ tục xin quốc tịch bao gồm cả hỏi xin hướng dẫn thủ tục đều được yêu cầu cần phải đặt lịch hẹn trước.
Thông thường các Sở Tư pháp sẽ không nhận hồ sơ ngay, mà luôn thực hiện một buổi 相談 (gặp mặt thảo luận) trước với bản thân người muốn xin quốc tịch.
Hiện nay, do nhu cầu nhập tịch Nhật Bản của người nước ngoài tăng cao, nên thông thường phải đặt lịch hẹn trước 4 ~ 6 tháng.
Tuy nhiên, nếu là do văn phòng luật sư đặt lịch hẹn giúp thì do sự tín nhiệm của sở tư pháp, có thể hẹn nộp hồ sơ luôn vào ngày hẹn đầu tiên mà không cần phải đặt lịch gặp lần 2 để nộp.
② Chuẩn bị hồ sơ giấy tờ
Hồ sơ giấy tờ để xin quốc tịch sẽ có sự khác biệt giữa những người khác nhau với quá trình học tập, sinh sống và làm việc khác nhau.
Tuy nhiên, có một điểm chung đó là hồ sơ CỰC KỲ NHIỀU và PHỨC TẠP. Hồ sơ xin quốc tịch có thể nói là toàn bộ các loại giấy tờ về cuộc đời một con người. Chính vì vậy, khi chuẩn bị hồ sơ, hãy chuẩn bị tinh thần là sẽ cần đi xin toàn bộ các giấy tờ cần thiết từ khi bạn sinh ra cho tới hiện tại.
Trong quá trình làm hồ sơ, các văn phòng luật sư sẽ nghe thông tin về quá trình học tập, sinh sống và làm việc của bạn, đưa ra lời khuyên về việc cần chuẩn bị các loại giấy tờ như thế nào. Như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và đặc biệt không bỏ sót giấy tờ khi lên nộp ở sở tư pháp.
Có nhiều trường hợp do thiếu mất một số loại giấy tờ quan trọng, bên ngoài danh sách giấy tờ cơ bản mà Bộ Tư pháp đăng tải mà người xin quốc tịch sẽ không được thụ lý hồ sơ ngay mà yêu cầu đặt lại lịch hẹn để nộp lại. Do các Sở tư pháp hiện đang khá khó để xin lịch hẹn mới nên có người phải đợi 4 ~ 6 tháng sau mới có thể hẹn để nộp lại hồ sơ. Trong trường hợp đó, một số loại giấy tờ đã xin lại có thể bị hết hạn và buộc phải xin lại. Quá trình chuẩn bị hồ sơ lại bị kéo dài và mệt mỏi nhiều hơn.
Nếu có sự hỗ trợ từ văn phòng luật sư, bạn sẽ có thể chuẩn bị tốt hơn hồ sơ cũng như rút ngắn được quá trình chuẩn bị giấy tờ mệt mỏi này.
③ Viết hồ sơ và dịch thuật
Theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, toàn bộ giấy tờ từ nước ngoài sẽ đều cần dịch thuật sang tiếng Nhật theo quy phạm. Số lượng giấy tờ cần dịch tuỳ trường hợp mà sẽ khác nhau, nhưng tối thiểu cũng tới 7 ~ 10 loại giấy tờ. Nếu có sự hỗ trợ dịch thuật sẽ hồ sơ sẽ đảm bảo hơn và không bị trả về khi không hợp lệ.
Thêm vào đó, các loại tờ khai và đơn xin nhập tịch cũng được xem xét khá khắt khe cả về mặt hình thức lẫn nội dung. Nếu có luật sư có kinh nghiệm viết hồ sơ hỗ trợ sẽ giúp bạn tăng chất lượng cho hồ sơ của mình.
④ Gặp sở tư pháp theo lịch hẹn
Trong buổi gặp đầu tiên với sở tư pháp, cán bộ sở tư pháp sẽ hỏi thông tin về toàn bộ quá trình từ khi người xin quốc tịch sang Nhật cho tới hiện tại cũng như thông tin về gia đình trong phạm vi 2 đời bao gồm bố mẹ, anh chị em ruột và vợ/chồng con cái của người đó.
Buổi gặp đầu tiên này thông thường sẽ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Cán bộ sở tư pháp dựa trên thông tin cũng như mức độ chuẩn bị hồ sơ của người xin quốc tịch mà sẽ hẹn lịch để nộp hồ sơ chính thức.
Trong quá trình gặp gỡ mendan này, cán bộ sở tư pháp sẽ đánh giá sơ bộ về hồ sơ cũng như năng lực tiếng Nhật của người xin quốc tịch mà có thể có những đề nghị như "cần trau dồi thêm tiếng Nhật ít nhất 1 năm trước khi đến nộp hồ sơ" hoặc có thể trả lời luôn nếu hồ sơ có nhiều lỗi không thể khắc phục (vi phạm giao thông, nợ thuế, ngoại tình...)
Vì vậy như đã nói ở trên, nếu làm việc với văn phòng luật trước đó thì người xin quốc tịch có thể gộp buổi mendan đầu tiên này với bước nộp hồ sơ và tiết kiệm thời gian cho bản thân.
⑤ Nộp hồ sơ xin quốc tịch Nhật
Sau khi mendan buổi số 1, cán bộ sở tư pháp đánh giá sơ bộ về khả năng nộp hồ sơ và sẽ đặt lịch cho buổi nộp hồ sơ chính thức. Trong buổi nộp hồ sơ này, cán bộ sở tư pháp sẽ kiểm tra từng hạng mục giấy tờ, các bản sao công chứng và dịch thuật có đủ điều kiện hay không.
Sau đó, trong đa số trường hợp sẽ có phỏng vấn tiếng Nhật. Buổi phỏng vấn trực tiếp với cán bộ sở tư pháp và có đủ 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Nhật.
Nội dung của bài kiểm tra tiếng Nhật này thường được yêu cầu là ở mức lớp 2 hoặc lớp 3 của chương trình tiểu học ở Nhật Bản. Bài kiểm tra sẽ kéo dài khoảng 30 - 40 phút. Điều kiện là cần phải vượt qua bài kiểm tra này mà không mắc lỗi.
Về nội dung bài kiểm tra này, hãy cùng xem lại bài viết mà chúng mình đã tổng hợp và đăng tải trên Tomoni ở link này bạn nhé: Trình độ tiếng Nhật tối thiểu khi chuyển sang quốc tịch Nhật
Hiện tại, việc kiểm tra tiếng Nhật đối với các bạn chuyển đổi từ visa lao động (kỹ sư, kaigo, tokuteigino...) hay visa quản lý kinh doanh đang được làm chặt hơn.
Các bạn nên nhờ văn phòng luật sư chuẩn bị các bài luyện đọc, nói, viết cho mình để làm quen dần với đề thi nhé. Nhớ rằng bài thi không giống bài thi trắc nghiệm của JLPT, mà là bài thi dạng viết và nói đầy đủ và đúng ngữ pháp tiếng Nhật. Vì vậy bạn nào có thói quen sử dụng tiếng Nhật "bồi" thì cần đặc biệt lưu ý để có thể vượt qua được bài kiểm tra này nhé.
⑥ Sở tư pháp thẩm tra hồ sơ
Nếu bộ hồ sơ của bạn đủ và hợp lệ, ở bước 5 nói trên Sở tư pháp sẽ thụ lý hồ sơ và hướng dẫn bạn chi tiết các bước tiếp theo. Trong thời gian đó, phía Nhật Bản sẽ bắt đầu thẩm tra hồ sơ của bạn. Họ sẽ xem khá cụ thể các giao dịch tài chính trong các sổ ngân hàng bạn đã cung cấp, hearing về các vi phạm (nếu có) hoặc kiểm tra tình trạng nợ tín dụng cũng như toàn bộ thông tin khác trong hồ sơ của bạn.
Trong thời gian này, về cơ bản sở tư pháp sẽ luôn luôn liên lạc trực tiếp với người xin quốc tịch và yêu cầu người xin quốc tịch phải trực tiếp bổ sung hồ sơ hoặc giải trình qua đường bưu điện hay tại sở tư pháp. Tuy nhiên, thông thường các văn phòng luật sư vẫn sẽ theo dõi quá trình hồ sơ và hỗ trợ bạn trong việc giải trình khi cần thiết.
⑦ Phỏng vấn cùng sở tư pháp
Sau khoảng 6 - 9 tháng thẩm tra hồ sơ, sở tư pháp sẽ yêu cầu bạn trình diện để phỏng vấn. Thường là buổi phỏng vấn này, sở tư pháp sẽ yêu cầu bạn cùng vợ/chồng và con cái đang sống tại Nhật đến gặp mặt để trao đổi trực tiếp.
Nội dung của buổi phỏng vấn này về cơ bản vẫn là xác nhận lại các thông tin mà bạn đã khai trong hồ sơ về gia đình mình. Nhưng sở tư pháp có thể yêu cầu vợ/chồng trả lời một số câu hỏi khác để xác nhận tính đồng nhất và trung thực của hồ sơ.
Trong các buổi phỏng vấn này, luật sư có thể tham gia cùng hoặc có người phiên dịch đi cùng trong trường hợp vợ/chồng người xin quốc tịch không nói được tiếng Nhật.
⑧ Nhận quyết định nhập tịch Nhật
Sau khi phỏng vấn xong, tuỳ vào tình hình hồ sơ mà sẽ có quyết định đủ điều kiện nhập tịch Nhật Bản. Khi đó, bạn sẽ theo hướng dẫn của sở tư pháp mà tiến hành làm thủ tục lãnh sự hoá giấy tờ để chuyển sang phần thủ tục số 9 - bỏ quốc tịch Việt Nam.
⑨ Xin thôi quốc tịch Việt Nam
Thủ tục này được hướng dẫn chi tiết ở trên website của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và thông thường mất tới nhiều tháng trời để có kết quả.
Các bạn tham khảo hướng dẫn thủ tục này tại đường link sau nhé: Thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam
Dưới đây Visaoffice.jp xin chia sẻ lại nội dung được cập nhật trên website của Đại sứ quán ngày 19/06/2024.
XIN THÔI QUỐC TỊCH VIỆT NAM
1/ Phiếu đề nghị và thông tin liên hệ (tải tại đây);
2/ Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam theo mẫu TP/QT-2020-ĐXTQT.1 (dành cho người từ 18 tuổi trở lên): 03 bản (tải tại đây); hoặc mẫu TP/QT-2020-ĐXTQT.2 (dành cho người dưới 18 tuổi): 03 bản (tải tại đây). Đối với người dưới 18 tuổi, thì phải có văn bản Thỏa thuận xin thôi quốc tịch cho con: 03 bản (tải tại đây); trẻ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, thì trẻ cũng phải ký vào đơn cùng với cha/mẹ.
3/ Tờ khai lý lịch (khai trên máy tính và in ra): 03 bản;
4/ Bản sao Giấy khai sinh (bản sao từ sổ gốc, dấu đỏ hoặc bản sao có công chứng): 03 bản;
5/ Bản sao công chứng Hộ chiếu (trang 2, trang 3): 03 bản;
6/ Giấy thông báo của Sở Tư pháp địa phương của Nhật Bản đề nghị thôi quốc tịch Việt Nam có xác nhận con dấu của Bộ Ngoại giao NB: 01 bản chính và 02 bản copy; bản tự dịch theo mẫu (tải tại đây).
Lưu ý:
- Trường hợp ở mục 4/ và mục 5/ nếu nộp bản photocopy, cần xuất trình bản gốc/bản chính để đối chiếu.
- Công dân cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định để Đại sứ quán tiếp nhận, thụ lý giải quyết. Trong đó, cần hoàn thiện các thủ tục mục 6 trước khi nộp hồ sơ xin thôi quốc tịch, gồm: Hợp pháp hóa lãnh sự, xử lý dịch (bản dịch của công dân có tính tham khảo, trừ trường hợp công dân nộp bản dịch đã được công chứng), công chứng bản dịch. Nếu công dân có mong muốn Đại sứ quán hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ trước khi nộp, cần viết đơn gửi Đại sứ quán đề nghị hỗ trợ, nêu rõ những nội dung cần hỗ trợ (phí và lệ phí liên quan thực hiện theo quy định).
- Tất cả đơn và bản khai lý lịch đều phải ký trực tiếp, không sử dụng chữ ký sao chụp; điền rõ địa điểm (tên tỉnh, thành phố của Nhật Bản nơi cư trú của đương sự, hoặc Tokyo là nơi đến nộp hồ sơ tại Đại sứ quán) và ghi rõ ngày tháng năm làm văn bản.
- Người đề nghị được thôi quốc tịch Việt Nam cần ghi chính xác địa chỉ và số điện thoại liên lạc để cán bộ xử lý có thể liên hệ khi cần thiết. Trong thời gian chờ kết quả, nếu có thay đổi địa chỉ, số điện thoại thì cần thông báo lại cho Đại sứ quán.
NHẬN KẾT QUẢ THÔI QUỐC TỊCH
Khi nhận được thông báo của Đại sứ quán về việc công dân đã được Chủ tịch nước cho phép được thôi quốc tịch Việt Nam như đăng tại danh sách quyết định dưới đây (công dân đồng thời chủ động kiểm tra kết quả thôi quốc tịch trên website Văn phòng Chủ tịch nước: Quyết định (vpctn.gov.vn) hoặc website tra cứu văn bản pháp luật thuvienphapluat.vn), công dân trực tiếp đến Đại sứ quán hoặc gửi hồ sơ sau đây qua đường bưu điện:
1/ Phiếu đề nghị và thông tin liên hệ (tải tại đây);
2/ Bản gốc hộ chiếu Việt Nam, giấy chứng minh nhân dân/căn cước công dân Việt Nam (nếu có). Trước khi nộp lại hộ chiếu, giấy chứng minh nhân dân/căn cước công dân, người đề nghị nên chụp lại để lưu hồ sơ cá nhân vì các giấy tờ này có giá trị chứng minh nguồn gốc Việt Nam khi đề nghị cấp giấy miễn thị thực hoặc giấy xác nhận gốc Việt Nam sau này.
3/ Copy Quyết định thôi quốc tịch (download từ website Văn phòng Chủ tịch nước vpctn.gov.vn hoặc website tracứu văn bản pháp luật https://thuvienphapluat.vn/).
4/ Lệ phí thôi quốc tịch theo quy định.
⑩ Chính thức nhập quốc tịch Nhật
Khi đã có quyết định thôi quốc tịch Việt Nam, bạn sẽ làm theo hướng dẫn của Sở tư pháp để nhận quyết định nhập tịch Nhật Bản chính thức, đi làm lại hộ chiếu, giấy tờ tuỳ thân và các thủ tục cập nhật thông tin tại shiyakusho hoặc các dịch vụ công khác theo.
Quá trình xin quốc tịch Nhật Bản theo các bước như trên thông thường sẽ mất từ 1.5 ~ 2 năm, tuỳ theo mức độ chuẩn bị hồ sơ của bạn.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về dịch vụ hỗ trợ của VISAOFFICE, xin hãy liên hệ theo đường link dưới đây nhé: